Lao động Nhật Bản về nước, nguồn nhân lực quý giá được săn lùng

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật Bản (JITCO), so với các nước cử tu nghiệp sinh (TNS) đến Nhật Bản, lao động Việt Nam (VN) phát huy tốt hiệu quả của chương trình tu nghiệp, thực hành kỹ thuật tại Nhật Bản. Hiện có khá nhiều TNS trở thành nguồn nhân lực trụ cột của các công ty với vị trí quản lý, phụ trách kỹ thuật, phiên dịch tiếng Nhật…

 Dễ kiếm việc làm thu nhập cao

Sau 3 năm đi tu nghiệp ở Nhật Bản (NB) trở về, anh Nguyễn Xuân Toàn được chọn làm Phó phòng phụ trách xuất khẩu lao động thị trường NB, Hàn Quốc cho Công ty xuất khẩu lao động trong nước.

Sang NB tu nghiệp được 1 năm, nhờ năng động, nắm bắt công việc nhanh và học tiếng Nhật giỏi, Toàn được công ty ở NB cất nhắc vào vị trí quản lý – phụ giúp giám đốc quản lý lao động VN.

Anh Toàn ví von rằng 3 năm đi NB tu nghiệp là “thời gian vàng”, tương đương hàng chục năm làm việc ở trong nước. Các TNS Trần Minh Thúy, Nguyễn Thị Thúy Phượng, Nguyễn Thị Ngọc Đặng – trước khi đi tu nghiệp làm công nhân may ở Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tạp phẩm Sài Gòn (Tocontap Saigon), sau khi hoàn thành chương trình tu nghiệp trở về nước, họ đều được công ty nhận trở lại làm việc ở các vị trí quản đốc phân xưởng kiêm nhiệm việc phiên dịch tiếng Nhật vì công ty làm ăn với đối tác Nhật Bản.

Ngoài kiếm được nguồn vốn kha khá (khoảng vài trăm triệu đồng) để cải thiện cuộc sống, giúp đỡ gia đình, theo họ cái được lớn hơn cả chính là tích lũy thêm kiến thức về kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, rèn luyện tác phong công nghiệp.

Còn TNS Lâm Thanh Vân nhà ở quận 4 thì bộc bạch một cách chân tình: “Nhờ đi tu nghiệp ở NB, tôi đã đổi đời thật sự. Với vốn tiếng Nhật khá, cộng với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực điện tử, vừa về nước tôi đã được Công ty Saigon Stec – chi nhánh của Công ty Sharp của NB tại VN (KCN Singapore) nhận vào làm quản lý”.

Trong bối cảnh thị trường lao động ở VN thiếu hụt nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật, nhiều công ty NB đang đầu tư vào VN rất thích nhận lao động VN đã từng sang nước họ tu nghiệp. Bởi lẽ, số lao động này vừa sử dụng thành thạo tiếng Nhật vừa có kỹ năng, tay nghề thành thục, không tốn công sức đào tạo lại như lao động tại chỗ.

Tiếp sức trở thành chủ doanh nghiệp

Nhằm khảo sát, đánh giá hiệu quả của chương trình đưa lao động sang Nhật Bản tu nghiệp, thực tập kỹ thuật, lần đầu tiên Bộ LĐTB-XH đã tổ chức diễn đàn gặp gỡ 40 lao động Việt Nam đã từng tu nghiệp tại Nhật Bản. Họ là đại diện cho số TNS đang có việc làm ổn định và thu nhập khá cao tại các công ty con của Nhật Bản tại Việt Nam hoặc công ty liên doanh, 100% vốn của Nhật Bản.

Nhờ có vốn ngoại ngữ tiếng Nhật, họ vừa làm quản lý, phụ trách kỹ thuật, chuyên môn, vừa làm phiên dịch. Bà Lê Thị Thanh Hương, Giám đốc Tocontap Saigon, cho biết: “Sau khi đi tu nghiệp ngành may ở Nhật Bản  trở về, phần đông các em đều trưởng thành về nghề nghiệp, tích lũy được kiến thức, nâng cao trình độ kỹ thuật lẫn kỹ năng thực hành nghề. Vì thế, công ty tin tưởng, bố trí các em vào làm việc ở các vị trí quản lý như chuyền trưởng, quản đốc, phụ trách kỹ thuật hoặc làm phiên dịch tiếng Nhật”.

 

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhấn mạnh rằng từ mô hình tái sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực kỹ thuật đi Nhật Bản tu nghiệp nêu trên, sắp tới Bộ LĐTB-XH tiếp tục tiến hành khảo sát, rà soát lại số lao động đi xuất khẩu ở các thị trường khác để tận dụng, phát huy nguồn lực nhân lực xuất khẩu cho mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước.

Tuy nhiên để nguồn nhân lực kỹ thuật trụ cột này phát huy hiệu quả cao hơn, đóng góp nhiều hơn cho quá trình đổi mới đất nước, bộ sẽ phối hợp với Phòng Thương mại – Công nghiệp ở các địa phương để trợ giúp, hướng dẫn TNS, lao động xuất khẩu về nước trở thành chủ cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Kinh nghiệm từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, trước đây họ cũng xuất khẩu lao động và đã tận dụng nguồn vốn nhân lực kỹ thuật này cho quá trình lột xác và hóa rồng của mình. Rất nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc xuất thân từ hành trình bôn ba xuất khẩu lao động để tích lũy tay nghề, kỹ thuật ở những nền kinh tế tiên tiến hơn, rồi mới về nước làm quản lý. Bài học thành công của họ vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta.